Tôi thân với cụ có lẽ cũng ngoài ba chục năm rồi, từ khi chúng tôi còn sinh hoạt chung ở một xứ đạo dưới Quận Cam, thủ đô của người Việt tỵ nạn Cộng Sản.
Cụ kể, năm 24 tuổi cụ gia nhập quân đội, vì ít học nên chỉ được có cái lon Binh Nhì sau khi mãn khóa huấn luyện ở quân trường. Sau hơn 15 năm chiến đấu, ì ạch leo mãi mới lên được chức Thượng Sĩ Già, nhờ may mắn mà thân thể vẫn còn nguyên vẹn. Cấp hạ sĩ quan, cụ chỉ bị cải tạo ngắn hạn rồi được … tha về. Năm 1982 vợ chồng dành dụm được mấy cây vàng, thế là cụ và 2 người con lớn xuống thuyền đi vượt biên, năm 1983 cụ được chính quyền Mỹ mở lượng hải hà nhận vào nước định cư.
Ở cái số tuổi ngoài 5 bó, mà vốn liếng chữ nghĩa ở Việt Nam chỉ nằm ở mức tiểu học, qua Mỹ, không học dù 1 ngày tiếng Anh, nên cụ chẳng tìm ra được công việc gì để nuôi con và nuôi thân ngoài lãnh trợ cấp xã hội. Vậy mà nước Mỹ nhân ái còn cho phép cụ bảo lãnh được vợ mấy năm sau. Năm 1989 vợ cụ và 3 cô con gái út được cụ bảo lãnh qua Mỹ đoàn tụ.
Vào thời điểm gần hết tiêu chuẩn lãnh trợ cấp thì mấy cô con gái út xuất hiện, thế là lại thêm được ít năm nữa, mãi cho đến khi con cái cụ đều ra trường Trung Học và bước vào Đại Học. Nhìn lại, cả đời gia đình nhà cụ, đều được ông chính phủ Mỹ lo cho từ A đến Z, từ tiền trợ cấp đến phiếu thực phẩm, từ bảo hiểm y tế đến housing (một hình thức hỗ trợ tiền thuê nhà cho các hộ nghèo). Tuy có hơi chật vật tí nhưng tần tiện tí và đi làm thêm mấy công việc lặt vặt, thì cũng đủ cho cụ lâu lâu mua thêm vài chai bia, một hai chai rượu để giải sầu, nỗi sầu nhớ về cố hương …
Cứ thế, thời gian trôi đi, vợ chồng cụ chuyển từ tiền trợ cấp sang tiền già, còn mấy khoản kia vẫn chưa bao giờ ngưng trệ hay trễ nải. Cứ chịu khó làm thủ tục khai báo đều đặn, lúc nào cũng có bà con đồng hương mình giúp mà, cứ thế là những khoản liên quan đến trợ cấp của chính phủ sẽ đến tay người nhận đúng ngày mỗi tháng.
Sau tuổi 65 vợ chồng cụ lại còn được hưởng thêm nhiều thứ phúc lợi khác từ ... "tiền túi" của ông chính phủ Hoa Kỳ, những món ân tình đó đến từ đâu và do ai hai cụ chẳng hề bận tâm, cứ … vô tư chấp nhận nó như một thứ phải có ở cái đất nước thiên đường này, như mặt trời phải xuất hiện ở hướng Đông vào mỗi buổi sáng và sẽ … lặn đi vào mỗi buổi chiều tà, có lẽ chỉ ngưng sau khi hai cụ rời bỏ thế gian này ra đi vĩnh viễn, trả lại cái số an sinh xã hội cho nước Mỹ vĩ đại.
Lâu lâu đến thăm hai cụ tôi nhận ra một điều là, càng ngày cái căn hộ 2 phòng ngủ 2 phòng tắm họ ở được chính phủ trợ giúp cho hơn nửa giá tiền, càng cũ đi và xuống cấp theo thời gian, y hệt như sức khỏe và tuổi tác cùa hai cụ. Có điều thật kinh hoàng là căn nhà vẫn thế nhưng càng ngày càng chật chội và tăm tối hơn lên.
Chả có cụ nào nói được hơn vài chữ tiếng Anh, thế mà chả hiểu sao, ở đâu, chính quyền phát cái gì, ở đâu hội thiện nguyện cho cái gì, hai cụ đều nắm rõ, chắc như bắp chuối. Và cứ thế, kiến tha lâu đầy tổ, cái căn hộ của hai cụ chứa và chất toàn đồ ăn, rau, củ, quả, thịt, cá đóng hộp chất đầy những cái kệ cao gần đụng nóc nhà. Rồi lại còn các thứ hạt làm bằng ngũ cốc cho các bữa ăn sáng của người Mỹ có tên cereals cũng đủ thứ và đủ loại. Nhà của hai cụ phải nói ngập tràn thức ăn khô chẳng khác gì các tiệm tạp hóa nhỏ, đủ nuôi một đạo quân chục đứa trong vòng nửa năm.
Mỗi lần tôi đến thăm hai cụ, tôi đều nhỏ nhẹ khuyên nên bỏ bớt đi vì có tới 90% lượng đồ hộp mà hai cụ tàng trữ đều đã quá hạn, có cái quá hạn trên 2-3 năm, thế nhưng cụ ông nhất định không chịu bỏ đi bất kỳ thứ gì.
"Bác ạ, mình không ăn, lấy về làm gì cho chật nhà?"
"Mình không lấy, cũng có đứa khác lấy! Chú qua nhà vợ chồng ông Toàn xem, họ còn lấy nhiều hơn chúng tôi nữa."
À thì ra đâu phải chỉ có mình hai cụ.
"Thế bác không ăn, lấy về làm gì. Để hư đi có tội chết. Ngoài kia có biết bao nhiêu người đói đấy bác ạ"
"Ôi, chú cứ lo hão, chuyện đó đã có chính phủ lo. Đất nước này chứ có phải Việt Nam đâu mà lo đói!"
Thật, chẳng phải chỉ có mình hai cụ, mà cái cộng đồng người Việt cao niên ở Quận Cam này đông cụ như vậy lắm. Họ lại thương yêu đùm bọc lẫn nhau, cứ ở bất kỳ nơi nào có phát cái gì miễn phí, là nguyên cả một mạng lưới toàn cầu Quận Cam của người Mỹ gốc Việt í ới kéo nhau đi như đi … trẩy hội, đúng ngày và đúng địa điểm. Chả cần tiếng Anh tiếng U gì thì những bản thông tin miệng kia cũng quá là chính xác.
Gần chục năm nay, hai cụ bước qua cái tuổi Bát Tuần, mà cứ hơn 8 bó là cho dù có gìn giữ sức khỏe cách mấy thì cơm bệnh viện thường xuyên hơn cơm nhà. Cái bệnh viện nổi tiếng 5 sao tên Fountain Valley lại đông đảo đội ngũ bác sĩ, y tá nói tiếng Việt và lẽ đương nhiên có kèm theo nhân viên thông dịch người Việt khi cần. Các cụ lớn tuổi ở đây chả ai phải lo lắng cái gì, cứ gọi khẩn cấp là xe đưa rước đến tận nơi và giao tận điểm, không sai trật đi đâu cả. Tiền chi phí bệnh viện cũng chả phải lo, đã có nước Mỹ vĩ đại.
Cái hệ thống y tế, bác sĩ gia đình, bác sĩ chuyên môn, nha sĩ và dược sĩ trong cộng đồng Việt ở Quận Cam nổi tiếng là tốt và thương yêu lo lắng cho các cụ. Không một dịch vụ nào được chính phủ chi trả mà họ không giới thiệu đến các cụ, từ những dịch vụ khám bệnh đến các phương tiện chuyên chở và đưa đón, qua đến thuốc men đều được người Việt mình lo lắng cho các cụ tất tần tật. Vào nhà các cụ, cái gì chứ ba cái thuốc cao máu, cao mỡ, tiểu đường, trợ ăn, trợ ị … không thứ gì không có, mà lại có dư giả thừa mứa, nhiều khi không xài hết, họ còn chuyển về Việt Nam cho bà con giòng họ xài ké. Đây là chuyện có thật 100% vì chính miệng các cụ nói ra cơ mà.
Các văn phòng bác sĩ và dược sĩ ở Quận Cam lại rất tỉ mỉ, kỹ lưỡng và chu đáo trong việc chăm sóc cho các cụ. Những thứ thuốc men đắt tiền này, đa số người Mỹ mắc cùng thứ bệnh … thường khóc không ra tiếng vì đắt đỏ không có tiền mua, trong khi các cụ Mỹ gốc Việt ở Quận Cam lại có ê hề, có thừa mứa, cứ đến ngày đến tháng là được "refill" đúng hẹn, xài không hết cho, cho không hết liệng bỏ, đã thế, lại còn có xe chở đến giao tận nhà. Cần gì học tiếng Anh cho nó mệt.
Đấy, vậy mà có hơn 90% các cụ, năm 2020 đã bỏ phiếu bầu cho Donald Trump và đảng Cộng Hòa nữa đấy. Cái này người Việt có câu "ăn cây nào rào cây đấy" thật đúng.
Khi nói chuyện với các cụ, lại khám phá ra một điều khá thú vị là con số cụ Hòa, cụ Toàn, cụ Toản, cụ Danh như này ở Quận Cam nhiều lắm luôn.
Mấy năm trước, cụ bà phải giải phẫu gan, nằm bệnh viện 5 sao Fountain Valley khá lâu, sau khi ra viện, lại được chuyển qua một cơ sở mang tên Cơ Sở "ABC Phục Hồi" – rehab ở Garden Grove – mỗi người một phòng, đầy đủ tất cả những gì một bệnh nhân cần có, mà lại thuộc dạng hạng sang, được tài trợ 100% từ chính phủ Mỹ. Chả biết, nếu không có bảo hiểm y tế thì giá sẽ là bao nhiêu một ngày, chắc chắn không rẻ tí nào. Nước Mỹ không là thiên đường thì trên quả đất này làm gì có thiên đường!
*** Thấy sao viết vậy, không thêm bớt và nhất là không hề có ý gì khác ngoài viết như một bản báo cáo của báo Mỹ ... bằng tiếng Việt. Thề không gian dối …
*** Những độc giả trí thức khó tánh xin thông cảm vì như một độc giả khó tánh trên FB đã nói, văn của tôi thuộc dạng văn chương bình dân, chữ nghĩa tầm thường, thích hợp cho người dân ... lao động, nên có khi kiểu viết dễ bị hiểu lầm là chế nhạo thiên hạ. Thông cảm dùm nhé, có nhiêu, chả sửa được.
FB Giao Thanh Phạm
No comments:
Post a Comment