Cặp và đôi là hai chữ riêng biệt để nói về số lượng. Tuy cùng có nghĩa là 2 nhưng cách dùng thì lại khác. Người ta dùng chữ "đôi" khi nói về 2 người hay 2 vật mà có sự gắn bó không thể tách rời ra như đôi vợ chồng, đôi tình nhân, đôi bạn, đôi đũa, đôi giày... Những thứ này gắn bó, bổ túc cho nhau để trở thành một như "mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai". Đôi bạn, đôi vợ chồng mà mất đi một thì đời sẽ là vô nghĩa. Một chiếc đũa, một chiếc giày thì trở thành vô dụng. Hãy nhớ lại tựa đề cuốn tiểu thuyết "Đôi bạn" của Nhất Linh và câu "Miếng trầu cau nên đôi vợ chồng, đôi vợ chồng nghèo..." trong bản nhạc "Tình nghèo" của Phạm Duy.
Chữ "cặp" dùng một cách chung cho những gì có 2 cái mà không nhất thiết cần kết hợp. Ví dụ: cặp vịt, cặp bánh chưng... Ghép chung 2 con vịt, 2 cái bánh hay tách ra từng con vịt, từng cái bánh cũng chỉ thay đổi số lượng mà không thay đổi tính cách. Vì thế, nên lựa chọn hoặc dùng chữ "đôi" hoặc dùng chữ "cặp" cho những điều mình muốn nói. Không thể tham lam dùng cả 2 chữ "cặp đôi" vì như thế, nó có nghĩa là 4 thay vì chỉ muốn nói tới 2 vật. Cho nên hai chữ "cặp đôi"nghe kỳ quặc, chướng tai vô cùng!
(Trích đoạn trong sách "Chuyện dài chữ nghĩa"của Đỗ văn Phúc)
No comments:
Post a Comment