Saturday, November 16, 2024

"Tam thập nhi lập, Tứ thập nhi bất hoặc" và lời giải cho cuộc đời

29/11/2017 Đọc & Suy ngẫm 27,000 lượt xem

Từ "Tam thập nhi lập" mãi cho tới khi "thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ", người ta mới hiểu rằng, đời người bất quá 100 năm, chúng ta mỗi ngày trôi qua đều đang dần trưởng thành, dần trầm tĩnh, dần có thể hiểu rõ được điều gì mới là quan trọng nhất đối với bản thân mình.

Khổng Tử từng nói: "Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ", ý rằng: "Ta 15 tuổi chí ở học hành, 30 tuổi có thể tự lập, 40 tuổi không còn nghi hoặc, 50 tuổi biết được mệnh Trời, 60 tuổi ta biết điều phải trái, 70 tuổi tâm theo ý mình, có thể làm một cách tùy ý nhưng lại không vượt quá quy tắc".

Đây là tổng kết của Khổng Tử về cuộc đời mình, cũng là tấm gương cho những ai muốn theo đuổi một cuộc đời hoàn mỹ, đặc biệt là sau tuổi 30. Vậy thì khi đến ngưỡng 30 tuổi, 40 tuổi, 50 tuổi, 60 tuổi, 70 tuổi, chúng ta cần sống như thế nào?

1. Tam thập nhi lập: 30 tuổi có thể tự lập

30 tuổi là ngọn núi chia đôi dòng nước, chia đôi ngã rẽ của đời người. Con người ở độ tuổi này về cơ bản đã có thể xác lập được phương hướng phát triển cuộc đời mình. Họ cũng có thể dựa vào bản lĩnh của tự thân mà gánh vác những trách nhiệm mình cần đảm đương.

"Nhi lập" ở đây là lập thân, lập gia, lập nghiệp.

Lập thân là xác lập nhân cách và sự tu dưỡng của bản thân. Điều này bao gồm việc tu dưỡng trong tư tưởng và hàm dưỡng đạo đức, bồi dưỡng năng lực và có thể tự lực tự cường. Trong đó sự tự cường là cái gốc lập thân, là yêu cầu cơ bản nhất khi mỗi người muốn đứng vững trong xã hội.

Lập nghiệp là xác lập công danh, sự nghiệp mà mình muốn theo đuổi. Người 30 tuổi nên có nghề nghiệp vững chắc. Dẫu theo đuổi bất kỳ công việc nào cũng cần có một năng lực nhất định. Nói theo cách hiện đại chính là có một sở trường về kỹ năng nào đó. Lập nghiệp là phương thức mưu sinh, là cơ sở để độc lập về kinh tế. Đây cũng là quá trình con người ắt phải trải qua để thực hiện giá trị nhân sinh.

Lập gia là lập gia đình. Xã hội cạnh tranh mạnh mẽ ngày nay đã kéo dài tuổi lập gia đình của những người trẻ. Nhưng đứng từ góc độ sinh sôi nảy nở của nhân loại mà nói thì độ tuổi này lại rất phù hợp. Hơn nữa con người khi đến 30 tuổi sẽ hiểu rõ về hôn nhân và trách nhiệm.

Ý nghĩa của gia đình là tổ ấm. Lập gia đình thì tâm hồn mới tìm được bến đỗ bình yên để ngơi nghỉ. Còn về trình tự lập nghiệp và lập gia đình, do tình huống của mỗi người mỗi khác, nên chúng ta không phải câu nệ thứ tự trước sau, mà hai điều này đều tương trợ cho nhau.

2. Tứ thập nhi bất hoặc: 40 tuổi không còn mê hoặc 

40 tuổi là độ tuổi dùng điều bất biến để ứng vạn biến, là độ tuổi có thể nhìn thấu vạn vật trên thế gian, cũng là độ tuổi trưởng thành. "Bất hoặc" tức là tỉnh táo, là minh bạch về bản thân, về người khác và về thế giới.

Con người sống trong xã hội thì không thể tách khỏi xã hội. Mối quan hệ giữa con người và xã hội là mối quan hệ giữa cá thể và quần thể. Cá thể là một phần tử trong quần thể. Lý tưởng và nguyện vọng của một cá nhân phải được kiến lập dựa trên cơ sở của một xã hội hiện thực. Trong tâm cần có một sức mạnh điềm nhiên khi ứng phó với thế giới bên ngoài.

Chính là khiến nội tâm mình dần dần trở nên lớn mạnh trong quá trình tôi luyện, biến những thứ bên ngoài trở thành năng lượng bên trong. Người 40 tuổi là người có độ tuổi thực tế nhất, không nên phạm quá nhiều sai lầm và đi đường vòng.

Hiểu rõ trách nhiệm của bản thân

Đặc điểm lớn nhất của người 40 tuổi là hiểu rõ trách nhiệm của bản thân mình. Họ phải gánh vác trách nhiệm xã hội, trách nhiệm gia đình, hiếu thuận với cha mẹ, và chịu trách nhiệm dưỡng dục con cái.

40 tuổi là thời kỳ huy hoàng trong đời người, cũng là thời kỳ có cống hiến lớn nhất cho gia đình và xã hội.

3. Ngũ thập nhi tri thiên mệnh: 50 tuổi biết được mệnh Trời

Mệnh Trời còn gọi là số mệnh, 50 tuổi biết mệnh Trời. Người 50 tuổi đã tới giai đoạn chín muồi trong cuộc đời. Lúc này có rất nhiều việc trong đời dường như đã thành hình.

Người 50 tuổi hiểu biết hơn về xã hội nên càng thấu hiểu bản thân hơn. Họ học được cách thản nhiên đối mặt với mọi việc. Họ không oán Trời, không trách người, không lười nhác.

Hiểu về thiên mệnh

Người 50 tuổi sức khỏe không còn như trước. Họ càng hiểu rõ hơn về sự yếu nhược của sinh mệnh, hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của sức khỏe. Sức khỏe là vốn liếng của sinh mệnh. Không khi nào con người lại có trải nghiệm sâu sắc như thế về sức khỏe như ở độ tuổi này. Họ sẽ chú trọng tới việc dưỡng sinh hơn trước và bắt đầu tích cực rèn luyện.

Người 50 tuổi đã có sự đánh giá khá chuẩn xác về bản thân mình. Họ rất ít khi dao động, khiến tâm trạng lên lên xuống xuống vì một chuyện gì đó. Trải qua bao nhiêu năm vất vả họ cũng có một điều kiện kinh tế nhất định, tham vọng tiền tài cũng không còn mạnh mẽ như khi còn trẻ nữa.

Biết trân trọng tình cảm

Người 50 tuổi đã trải qua sự gột rửa của thời gian. Họ sẽ biết trân quý hơn người bạn đời đồng cam cộng khổ trong đời mình, biết trân trọng hơn đứa con đã trưởng thành và những người bạn cũ luôn kề vai sát cánh bấy lâu nay… Tình thân, tình bạn, tình yêu, những điều này dần sẽ trở thành những điều quan trọng trong số những điều được coi trọng trong lòng họ. Tâm danh lợi của họ cũng dần tiêu tan.

4. Lục thập nhĩ thuận: 60 tuổi tai biết điều phải trái

Tới khi 60 tuổi, dẫu cho ai nói ngả nói nghiêng, dù gặp phải trắc trở, khó khăn thế nào thì con người cũng đều không quá kích động. Họ có thể suy nghĩ mọi sự một cách điềm tĩnh và thuận theo quy luật của sự vật. Họ có thể thản nhiên trước vinh nhục, ngộ ra ý nghĩa đời người, nhìn thấu kiếp nhân sinh và coi nhẹ danh lợi.

60 tuổi nhìn thấu kiếp nhân sinh

Từ khi nghỉ hưu, họ chuyển từ vai trò chính ngoài xã hội về với vai trò chính trong gia đình, vui hưởng đạo cùng trời đất. Người 60 tuổi đã minh bạch những điều này, nên có thể vui vẻ tiếp nhận cuộc sống hiện thực và hiểu rõ cuộc sống nên có của một người ở độ tuổi này.

60 tuổi nhìn thấu sinh mệnh

Người 60 tuổi phải sống thật mạnh khỏe, vui vẻ, điều này cũng là một sự cống hiến đối với xã hội. Ý nghĩa của sinh mệnh là nghĩ cho người khác nhiều hơn là đòi hỏi cho riêng mình. Khi bạn đã làm được thì cũng không còn gì phải nuối tiếc nữa.

Người 60 tuổi nhìn thấu danh lợi, nhờ trải qua sự tôi luyện của tháng năm mà lưu lại những kinh nghiệm phong phú của bản thân mình.

Trong cuộc sống nhàn nhã, họ thường hồi tưởng về những ký ức đắng cay ngọt bùi như một trải nghiệm đặc biệt trong mùa thu cuối đời. Khi đã về hưu thì họ chỉ còn sót lại một danh xưng: "Người về hưu". Lúc này duy chỉ có sức khỏe là của bản thân mình. Vậy nên giữ gìn chăm sóc sức khỏe cho mình, sống mạnh khỏe, hạnh phúc mới là điều quan trọng nhất.

5. Thất thập tòng tâm sở dục: 70 tuổi tâm theo ý mình

Người 70 tuổi có thể muốn gì làm nấy theo cách nghĩ của mình. Họ biết cách sống thuận theo tự nhiên, thích ứng với mọi hoàn cảnh, cũng không được vượt quá quy củ.

Cơm ăn không quan trọng cao lương mỹ vị hay đạm bạc đơn sơ, chỉ cần thấy ngon miệng là được. Phòng ốc không quan trọng lớn hay nhỏ, chỉ cần sống vui vẻ là được. Hãy làm những chuyện bản thân thấy hứng thú, đừng oán người, trách trời, trách đất, cũng đừng để tâm lo nghĩ quá mức tới người khác. Thấy sức khỏe suy giảm từng ngày cũng đừng hoảng hốt, thấy cái chết cận kề mỗi ngày cũng đừng khiếp sợ. Mọi thứ cứ thuận theo tự nhiên, tùy cảnh mà an.

Mỗi giai đoạn trong đời người đều có những trải nghiệm riêng trong từng giai đoạn ấy. Chúng ta không nhất định cứ phải làm theo một thước đo hay một chuẩn mực nào đó. Nhưng mỗi một giai đoạn chúng ta đều nên có sự kỳ vọng về bản thân mình. Tệ nhất thì 10 năm một lần chúng ta cũng nên ngẫm nghĩ lại về bản thân. Những điều không thể quên chính là hồi ức, nhưng điều vẫn tiếp diễn là cuộc sống. Hãy sống hết mình mỗi ngày để có thể sống trọn vẹn cả một đời.

Theo ĐKN
https://m.tinhhoa.net/loi-giai-cho-cuoc-doi-tam-thap-nhi-lap.html






Sunday, June 30, 2024

20 NGHỊCH LÝ TÔI ĐÃ GẶP, VÀ LUÔN ĐÚNG

1. Bạn càng ghét một tính cách nào đó của người khác, thì càng có nghĩa là bạn đang chối bỏ tính cách ấy bên trong mình. Nhà tâm lí học Carl Jung tin rằng tính cách của người khác làm bạn khó chịu chỉ đơn giản là hình ảnh phản chiếu của tính cách bản thân mà bạn đang chối bỏ mà thôi. Freud gọi nó là "sự phản chiếu." Ví dụ, một người cảm thấy thiếu an toàn vì cân nặng của bạn thân thường sẽ gọi người khác là "mập." Một người cảm thấy bất an vì túi tiền sẽ phê phán cách dùng tiền và kiếm tiền của người khác.

2. Người nào không tin được ai thì không đáng tin. Những người thường thấy bất an sẽ dễ phá hủy mối quan hệ. Ta sẽ thường thấy trong những người này xuất hiện triệu chứng nhân vật chính (tức là cảm thấy đời mình khó khăn, mình là nhân vật chính và phải đương đầu nhiều khó khăn hơn, trong khi người khác là nhân vật phụ, họ cũng phải hỗ trợ cho ta giải quyết khó khăn của đời mình). Mà hơn nữa, một cách để bảo vệ mình khỏi bị tổn thương là làm tổn thương người khác trước.

3. Bạn càng cố gây ấn tượng với ai, họ càng ít ấn tượng với bạn. Không ai thích nhây hết.

4. Càng thất bại nhiều, càng có khả năng thành công. Cứ lấy bất kì câu danh ngôn thành công của người nổi tiếng nào làm ví dụ. Bạn nghe nhiều rồi. Edison đã thử 10 nghìn lần trước khi tạo được bóng đèn. Michael Jordan bị đuổi khỏi đội bóng rổ trường trung học. Thành công đến từ sự tiến bộ; sự tiến bộ đến từ thất bại. Không có đường tắt đâu.

5. Thứ gì càng đáng sợ, thứ đó càng đáng làm. Dĩ nhiên là trừ những thứ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tính mạng (mà cơ thể tự động né nhờ bản năng). Ví dụ: bắt chuyện với một người dễ thương, cold call (tạm hiểu là gọi cho người lạ) một người nào đó để tìm việc mới, nói trước công chúng, mở công ty, nói điều ngược lại với cách nghĩ thông thường, thành thực tuyệt đối với ai đó… Tất cả những thứ này bạn đều sợ, và bạn sợ thường là vì đó là những thứ bạn nên làm.

6. Càng sợ chết, càng khó tận hưởng cuộc sống. Tôi rất thích câu này: "Cuộc đời tỉ lệ với sự dũng cảm của mỗi người."

7. Càng học nhiều, càng thấy mình biết ít. Đây là ý của Socrates. Mỗi lần hiểu biết thêm điều gì, thì tư duy ta lại tạo ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời.

8. Bạn càng ít quan tâm đến người khác, thì cũng càng ít quan tâm đến chính mình. Tôi biết điều này sẽ đi ngược lại nhận thức của nhiều người. Bạn sẽ tưởng tượng ra mấy thằng khốn ích kỷ chỉ biết đến mình. Nhưng mà này, con người thường đối xử với người khác theo cách họ đối xử với chính mình. Có thể bề ngoài thì không đúng, nhưng sâu bên trong, ai càng đối xử tồi với người khác thì cũng càng đối xử tồi với chính mình.

9. Càng kết nối, càng cô đơn. Tuy ta càng ngày càng giao tiếp thường xuyên, nhưng nhiều nhà khoa học khám phá ra rằng con người ta ngày càng cảm thấy cô đơn và buồn khổ trong xã hội hiện đại mấy chục năm gần đây.

10. Càng sợ thất bại, càng dễ thất bại. Dựa trên thuyết lời tiên tri tự hoàn thành (self-fulfilling prophecy). Nói cách khác, cầu được ước thấy.

11. Càng cố làm điều gì, điều ấy càng khó đạt. Khi ta nghĩ rằng một việc gì đó là khó làm, thì trong vô thức ta làm nó khó hơn. Ví dụ, mấy năm trời tôi nghĩ bắt chuyện với người lạ là một việc bất thường và khó khăn. Kết quả là tôi bỏ rất nhiều thời gian lên chiến lược và nghiên cứu kế hoạch bắt chuyện với người lạ. Tôi không biết rằng tôi chỉ cần chào một tiếng và hỏi vài câu thông thường là đã có 90% bắt chuyện thành công. Nhưng vì tôi nghĩ rằng nó khó, nên tôi đã làm mọi thứ khó khăn hơn rất nhiều.

12. Thứ gì càng nhiều, bạn càng ít muốn có. Con người rất hay bị thiên kiến khan hiếm (scarcity bias). Trong vô thức, ta cho rằng những thứ khan hiếm mới có giá trị, còn thứ gì đầy rẫy thì lại không. Sự thật không phải như vậy (hãy nghĩ đến không khí đi, rất nhiều, nhưng rất có giá trị, không tin bạn cứ thử nín thở).

13. Cách tốt nhất để ở bên ai đó là không cần phải ở bên người ấy mãi. Nguyên tắc của tôi là không tham lam. Cách tốt nhất để duy trì một mối quan hệ tình cảm tốt là đầu tư vào chính mình, để vẫn có thể vui vẻ trong những lúc không có người yêu ở bên.

14. Càng thành thật về lỗi lầm của mình, người ta càng nghĩ bạn hoàn hảo. Bạn càng thoải mái với việc mình không phải là người giỏi giang, vĩ đại, thì người khác lại càng nghĩ bạn chắc là thần thánh phương nào!

15. Càng cố níu kéo ai đó kề bên, bạn càng khó giữ. Một nguyên lý về sự ganh tị: khi các hành động hay cảm xúc trở thành nghĩa vụ, thì nó mất đi hết ý nghĩa. Nếu bạn gái của bạn cảm thấy buộc phải bỏ hết cuối tuần ra để ở với anh người yêu, thì thời gian mà hai bạn ở bên nhau đã hóa vô nghĩa rồi.

16. Càng cố tranh cãi, càng khó thuyết phục. Vấn đề là đa số luận điểm về bản chất đều cảm tính. Khi tranh cãi, nghĩa là nền tảng giá trị hay nhận thức của một người nào đó đang bị xâm phạm. Logic chỉ dùng để đánh giá những thứ nằm ngoài niềm tin mà thôi. Người ta thường không thay đổi quan điểm về niềm tin của mình vì người đối diện nói rất khách quan hay logic. Để thực sự tranh luận, tất cả các bên phải thực lòng bỏ cái tôi sang một bên và chỉ làm việc với dữ liệu trên bàn. Rất khó xảy ra chuyện này, nhất là đối với những người hay chém gió trên mạng.

17. Càng có nhiều lựa chọn, càng khó hài lòng. Đây gọi là nghịch lí của sự lựa chọn. Người ta nghiên cứu thấy rằng, càng có nhiều lựa chọn, thì ta càng ít hài lòng với mỗi lựa chọn. Lí do là khi có nhiều lựa chọn, thì chi phí cơ hội của mỗi lựa chọn càng lớn (nói dễ hiểu nghĩa là ta có cảm giác phải từ bỏ nhiều lựa chọn khác cũng hấp dẫn không kém), thế nên chọn cách nào cũng không vui.

18. Càng nghĩ rằng mình đúng thì càng không biết gì. Có một mối tương quan trực tiếp giữa việc thoải mái đón nhận những luồng ý tưởng khác biệt và mức độ hiểu biết. Bertrand Russell đã nói: "Thế giới này gặp vấn đề là vì mấy thằng ngu thì cứ chắc chắn, còn những người thông minh lại hay nghi ngờ."

19. Thứ duy nhất chắc chắn là không điều gì là chắc chắn. Tôi nhận ra điều này năm 17 tuổi, và khi đó suýt nữa thì tôi điên luôn.

20. Thứ duy nhất không thay đổi là sự thay đổi. Đây là một câu nói có vẻ như quá rõ ràng, nhưng thực sự lại không có nghĩa gì rõ ràng cả. Nhưng… nó đúng!
(Sưu tầm)

Thursday, June 27, 2024

CUỘC ĐỜI CÓ CÓ KHÔNG KHÔNG

Nhiều người luôn diễn giải, hạnh phúc là 4 chữ "Có": Có nhà to, Có xe, Có tiền, Có quyền.  
Nhưng có nhiều người lại diễn giải, hạnh phúc kỳ thực lại là 3 chữ "Không": Không lo lắng muộn phiền, Không ốm đau bệnh tật, Không tai hoạ.
Chỉ cần sống trọn vẹn được 3 cái "Không" kia rồi, thì những cái "Có" chẳng còn gì ghê gớm nữa.
"Có" chỉ là thứ cho người khác xem, 
Còn "Không" mới thực sự là thứ thuộc về chính mình.
Cuộc đời thường luôn mong muốn bắt đầu chuỗi chữ "Có", nhưng lại muốn kết thúc là chuỗi chữ "Không". 
Kết hợp chúng thế nào là tùy thuộc ở bạn. 
(Sưu tầm)

Saturday, June 22, 2024

MỖI NGÀY, HÃY TỰ NHẮC CHÍNH MÌNH

(Bài sưu tầm)
Khi cái bên trong càng thiếu, người ta càng cố làm phong phú mình bằng cái bên ngoài.
Khi người ta càng bất an, càng cố tỏ ra mình thành đạt viên mãn.
Khi người ta biết ít, người ta nói nhiều lắm.
Khi người ta làm ít, người ta khoe nhiều lắm.
Vì thật sự bên trong người ta đang bấn loạn.
Khi biết nhiều hơn chút nữa người ta trở nên khiêm nhường hơn. Chỉ đến khi sự đầy đủ lấp đầy tự bên trong bản thân, người ta không cần thêm một thứ gì bên ngoài nữa.
Mỗi ngày, hãy tự nhắc chính mình:
Một đoạn đường, nếu đi lâu mà không nhìn thấy hy vọng thì nên thay đổi phương hướng.
Một sự việc, nghĩ đã nhiều vẫn không mở được nút thắt trong lòng thì nên buông xuống.
Một số người, qua lại lâu ngày vẫn không cảm nhận được sự chân thành thì hãy rời xa.
Một lối sống, áp dụng một thời gian dài vẫn không tìm thấy niềm vui thì nên chọn cách thay đổi.
Hạnh phúc là để cảm nhận, không phải để ba hoa.
Công danh là để cống hiến, không phải để kiêu mạn.
Vật chất là để sử dụng, không phải để khoe khoang.
Tiền bạc là để chi tiêu, không phải để so lường.
Cuộc sống là để trải nghiệm, không phải để toan tính.
Tự nhắc chính mình!
Tình cảm là để chia sẻ, không phải để lợi dụng.
Cha mẹ là để hiếu thuận, không phải để đòi hỏi.
Bạn bè là để sẻ chia, không phải để lấn lướt.
Niềm tin là để chắc chắn, không phải để lường gạt.
Người thân là để chăm sóc, không phải để tổn thương
(Sưu tầm)

Wednesday, June 19, 2024

BS. Hồ Ngọc Minh - HIỆN TƯỢNG MẤT TRÍ NHỚ VÀ BỆNH ALZHEIMER


BS. Hồ Ngọc Minh
August 14, 2017

Hiện tượng mất trí nhớ thật ra không phải là một chứng bệnh, nhưng phải hiểu là một hội chứng bao gồm các vấn đề khó khăn trong việc nhớ và suy nghĩ. Có nhiều nguyên do hay bệnh trạng đưa đến tình trạng mất trí nhớ (dementia), mà bệnh Alzheimer chỉ là một trong những nguyên nhân ấy. Người bị tai biến não hay bị tiểu đường không kiểm soát cũng làm cho mất trí nhớ. Sự mất trí nhớ có thể xảy ra cho mọi lứa tuổi nhưng thường xảy ra cho người già nhiều hơn, gây khó khăn cho chính đương sự và người thân khi phải săn sóc họ.

Hội chứng mất trí nhớ cũng khác với sự lãng trí, nhưng lại bắt đầu từ những dấu hiệu của sự lãng trí. Khi chúng ta làm nhiều việc cùng một lúc, không tập trung trí óc, lãng trí có thể xảy ra. Lâu lâu bị lãng trí như bỏ quên đồ vật trong nhà không tìm được là chuyện thường, nhưng là một vấn đề nếu những triệu chứng đó tiến dần đến việc không còn nhận biết thời gian ví dụ như năm 1975 và năm 2015, hay không phân biệt được không gian như đang ở Việt Nam hay đang ở Mỹ, hoặc không còn nhớ được những đồ vật hay người quen.

Tình trạng mất trí nhớ (dementia) thường xảy ra cho người già, nhưng không phải mọi người khi già đều mất trí nhớ. Nhiều người tưởng lầm là sự mất trí nhớ và bệnh Alzheimer cùng là một thứ bệnh, nhưng thật ra không phải như vậy. Trung bình chỉ có 10% số người trên 65 tuổi bị bệnh Alzheimer, nhưng cho những cụ trên 85, tỉ số là 1/3. Hiện nay, theo ước tính, có khoảng năm triệu người Mỹ trên 65 tuổi bị bệnh Alzheimer và trên toàn thế giới có khoảng 35.6 triệu người bị mất trí nhớ.

Nói đúng ra, trí nhớ của tất cả mọi người đều không hoàn hảo. Có những dữ kiện chúng ta tưởng là nhớ đúng 100% nhưng trên thực tế theo thời gian, trí nhớ bị phai mờ với những "lỗ hổng". Bộ não chúng ta sẽ tìm cách điền vào những "chỗ trống" đó bằng những hư cấu không có thực hay không chính xác. Vì thế khi chúng ta lớn tuổi, chuyện giảm trí nhớ xảy ra cho tất cả mọi người, nhưng mức độ và tốc độ suy sụp tùy theo bản chất của mỗi cá nhân. Riêng những người bị Alzheimer, tốc độ suy sụp rất nhanh, có khi trong vòng vài tháng đã thấy sự khác biệt.

Thế thì, những dấu hiệu khác biệt đó là gì?

Hầu hết các sách y khoa đều nói rằng dấu hiệu sớm nhất của bệnh Alzheimer là mất trí nhớ. Khổ nỗi là sự mất trí nhớ không xảy ra qua đêm trong thời gian đầu nên rất khó mà nhận biết. Mà nếu có chút lãng trí xảy ra thì thường bị bỏ qua, hay bị người thân phán cho những chữ như "già rồi, lẩm cẩm" là xong câu chuyện. Một khi sự mất trí nhớ xảy ra có thể nhận thấy được thì thường là quá trễ.

Người có triệu chứng Alzheimer thường bắt đầu lặp lại những câu chuyện hay câu hỏi nhiều lần và bất chợt. Ví dụ, có khi họ đang nói chuyện thời năm 1975, đùng một cái nhảy qua nói chuyện đánh football năm 2015, rồi quay lại thời cụ Diệm bị đảo chánh và vài ngày sau lại nhắc lại những chuyện đó. Hoặc, họ có vấn đề theo dõi câu chuyện của người khác. Ví dụ người ta đang bàn chuyện đám cưới, người có vấn đề lại "đóng góp" chuyện lính Mỹ đổ bộ ở Normandy! Nghĩa là, nhớ đâu nói đó, không có thứ tự. Không nên nhầm lẫn với thói quen tư duy của người bệnh. Đa số, thường bị bỏ qua là "lâu nay tánh vẫn thế!"

Cùng lúc với chuyện lãng trí, quên chỗ này, chỗ kia, dấu hiệu sớm nhất của bệnh Alzheimer là việc đi đứng không vững và hay té ngã. Dĩ nhiên là khi người lớn tuổi, hay bị té ngã có thể do nhiều nguyên do khác nhau đưa đến, nhưng không nên bỏ qua mà phán cho câu "già yếu nên như vậy". Có người đang ngồi trên ghế vẫn bị té lăn quay xuống đất vì không giữ được thăng bằng, như vậy không phải hoàn toàn là yếu!

Người bị Alzheimer thường có dáng đi như lê lết trên mặt đất như chim cánh cụt. Họ không nhấc được bàn chân khỏi mặt đất và hai chân thường hay bị quíu, như không biết chân nào phải bước trước và chân nào theo sau. Có khi họ như lúng túng muốn bước hai chân tới trước cùng một lúc. Đó là lý do tại sao họ dễ bị té.

Ngoài ra, lý do dễ mất thăng bằng, và hay bị té là khả năng nhìn vật thể chung quanh theo định thức không gian 3 chiều không còn chính xác nữa. Thí dụ cái bàn, cái ghế có thể bị nhìn méo đi, hay khoảng cách ước lượng từ điểm A đến điểm B không còn đúng nữa.

Khoa học vẫn chưa tìm ra gene di truyền gây ra bệnh Alzheimer. Người ta đã tìm khắp bộ DNA của con người và ghi nhận được 33 điểm khả nghi. Tuy nhiên những người có gene apolipoprotein E (APOE) ở trên nhiễm sắc thể số 19 sẽ có nguy cơ tăng cao. Ngoài ra nguy cơ có thể thay đổi qua sự tương tác giữa gene và môi trường.

Căn nguyên của bệnh Alzheimer là do những vẩy (plaques) chung quanh tế bào não, tương tự như vẩy đóng trong mạch máu. Khác với vẩy cholesterol trong máu, những vẩy trong não này được tạo thành bởi chất protein. Những vẩy protein như những chất cách điện, hệ quả là những tín hiệu được truyền đi từ một tế bào thần kinh nầy đến tế bào khác bị ngăn chặn. Hiện tượng cách ly này không chỉ xảy ra giữa tế bào này với tế bào khác mà còn ở ngay trong tế bào thần kinh, như những chùm tơ nhện, gọi là "tangles of Tau protein". Ngoài việc cách ly sóng điện, những vẩy protein còn tiết ra chất độc để hủy diệt tế bào thần kinh, vì thế não bộ dần dần teo nhỏ lại.

Hiện tượng đóng vẩy không xảy ra qua đêm mà kéo dài có khi cả chục năm trước khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Nói cho dễ hiểu, "người thường" không có bệnh Alzheimer cũng bị đóng vẩy trong não chút đỉnh khi… già yếu. Nhưng đối với người có bệnh, tốc độ suy sụp, đổ dốc sẽ rất nhanh.

Dĩ nhiên, triệu chứng mấu chốt của bệnh mất trí nhớ phải là sự mất khả năng tư duy, khả năng nhớ, nhưng những triệu chứng khác do sự suy yếu của não bộ đưa đến, ví dụ như khả năng nói và vệ sinh cá nhân sẽ xảy ra cùng lúc, chứ không theo thứ tự.

Như thế, sự suy yếu xảy ra một cách toàn bộ, từ trí nhớ, đến suy yếu thị giác và khả năng giữ thăng bằng. Khi bệnh càng nặng, người bệnh sẽ mất khả năng tư duy, không còn nhận biết người quen, không nhớ những chuyện mới xảy ra gần như tức thì. Họ sẽ có vấn đề hiểu câu hỏi, sử dụng từ ngữ để diễn tả hay tốn nhiều thì giờ để trả lời một câu hỏi có khi rất đơn giản. Khuôn mặt như khờ đi, không biểu lộ được cảm xúc. Họ mất khái niệm về thời gian và không gian. Tâm tính của người bị mất trí nhớ cũng thay đổi, có khi họ trở nên trầm cảm, cô đơn nhưng có lúc hung dữ, bướng bĩnh vì trong tư duy hạn hẹp, không ai hiểu được họ. Cuối cùng là mất luôn khả năng vệ sinh cá nhân như tiểu tiện và đại tiện. Người bệnh chỉ nhận biết được một vài người thân săn sóc cho họ. Khi thiếu những người này, hay khi phải rời xa những môi trường quen thuộc, thường sẽ bị kích động những cơn sợ khủng hoảng tinh thần, gọi là panic attacks, làm cho họ cứng người đi, càng dễ bị té ngã thêm.

Trong phạm vi bài viết này, tôi không đi sâu vào việc chẩn bệnh và thuốc chữa trị. Tuy nhiên, dựa trên những kiến thức cơ bản ở trên, tôi hy vọng bạn đọc có thể phát hiện ra bệnh tình của người thân và đưa họ đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Nên nhớ tất cả các loại "thuốc chữa" hiện nay không có khả năng chữa dứt bệnh mà chỉ làm cho tốc độ phát triển của bệnh chậm đi. Và nếu thuốc chữa càng sớm thì chất lượng đời sống của bệnh nhân cũng như của người thân săn sóc cho bệnh nhân sẽ đỡ khổ hơn nhiều.

Nói chung, mọi người khi lớn tuổi đều có nguy cơ bị mất trí nhớ. Để giảm bớt nguy cơ bị mất trí nhớ, một số biện pháp cần thực thi ngay từ bây giờ:

Trước hết, bạn phải có một chế độ ăn uống cân bằng, điều độ, nhiều rau trái, tập thể dục đều đặn, như đi bộ ba tới năm giờ mỗi tuần, và ngủ đủ tám tiếng mỗi ngày. Ngủ đêm không đủ thì tranh thủ ngủ ngày! Những người ngủ đầy đủ và có ngủ trưa thường sống lâu và ít bị mất trí nhớ.

1. Học khiêu vũ:

Ta nói nôm na là tập… "nhảy đầm". Nghiên cứu đăng trên tờ New England Journal of Medicine năm 2003 cho biết khiêu vũ vừa là một môn thể dục thể thao, vừa là một trò chơi đòi hỏi suy nghĩ, tiến thoái trong mỗi bước. Khi khiêu vũ, lượng máu không những chỉ dồn về bắp thịt mà còn đổ về phía não bộ nhiều hơn vì khiêu vũ đòi hỏi cả thể lực lẫn trí tuệ.

2. Học chơi một thứ nhạc cụ hoặc nghe nhạc:

Nhiều nghiên cứu cho thấy người chơi nhạc cụ trên 10 năm sẽ có trí nhớ tốt hơn một người không chơi nhạc. Trong trường hợp bạn không có đủ thời giờ hay năng khiếu âm nhạc, nên tập nghe và thưởng thức âm nhạc.

3. Học một ngôn ngữ khác:

Một nghiên cứu đăng trên tờ Neurology năm 2013 cho biết những người nói thông thạo hai thứ tiếng, khả năng bị mất trí nhớ chậm đi bốn năm rưỡi so với người chỉ biết một thứ tiếng.

4. Học đánh cờ hay chơi video game:

Một nhiên cứu của Pháp năm 2013 cho thấy những ai chơi cờ, hay chơi các loại game như bingo, xì lát, poker… ( nhưng đừng ghiền quá, và cũng tránh "ngồi computer" hay TV nhiều nhé ), khả năng bị mất trí nhớ giảm đi 15%.

5. Đọc sách:

Không cần phải đọc nhiều, nhưng khi đọc sách nên bỏ thì giờ suy nghĩ, nghiền ngẫm nội dung của sách, truyện. Đọc truyện mới lạ có lợi hơn là đọc chuyện cũ đã biết. Đừng đọc Thiên Long Bát Bộ hay Tam Quốc Chí đến lần thứ 10!

6. Chú tâm làm một việc cho xong, đừng ôm đồm nhiều thứ vô một:

Người chú tâm làm xong một việc ít bị lãng trí hay mất trí nhớ hơn người làm hai ba việc cùng một lúc. Ví dụ khi ăn thì đừng xem TV! Ngoài ra nên biết dùng thời giờ một cách hữu hiệu.

7. Học đan, may vá, hay làm vườn:

Khảo sát thống kê năm 2013 cho biết những người có những thú vui kể trên, trí óc minh mẫn hơn những người không có "thú vui " để tiêu khiển.

8. Sống có mục đích:

Sống lạc quan, yêu đời và có giao thiệp với bạn bè người thân làm bớt tình trạng cô độc, sầu muộn.

9. Tập viết:

Viết văn, viết truyện, viết thơ cho bạn bè, viết nhật ký, viết hồi ký… làm giảm khả năng mất trí nhớ về sau.

10. Cuối cùng, tập làm việc nhà:

Những người làm lụng chân tay, làm việc trong nhà ít bị mất trí nhớ hơn người ngồi một chỗ xem TV hay nhìn "bóng câu qua khung cửa sổ".

Nói chung là phải tích cực động não. Tất cả các hoạt động trên đây nên bắt đầu từ hôm nay, bất kỳ ở lứa tuổi nào. Không nên đợi tới 60, 70 mới lo ngăn ngừa mất trí nhớ!

BS. Hồ Ngọc Minh

Sunday, June 9, 2024

CÓ MỘT CẠM BẪY MANG TÊN "NHÀN HẠ”

Khi con chuột ở trong một cái hũ toàn là gạo. Nó cảm thấy cuộc sống thật an nhàn và thế là nó chỉ ở yên đấy rồi hưởng thụ.
Mãi cho đến một ngày, hũ cạn hết gạo.
Lúc này nó mới phát hiện ra nó đang ở sâu dưới đáy hũ và không thể nào ra ngoài được nữa. Nó đành lực bất tòng tâm nhìn ra bên ngoài và khóc.
Bạn nên ghi nhớ: Ở trong độ tuổi có thể chịu đựng được thử thách của cuộc sống đừng lựa chọn "An Nhàn".
"TUỘT DỐC THÌ DỄ, MÀ LEO DỐC THÌ KHÓ"
----
Còn trẻ đừng hi vọng sống an nhàn.
Còn làm được, thì cố mà làm !!
Còn học được thì cố mà học !!!
Có như vậy bạn mới có cơ hội nghỉ hưu sớm, an nhàn ở tuổi già.
(Sưu tầm)

Friday, June 7, 2024

ĐỪNG QUÊN CÁI CHÍNH

Có một phụ nữ nghèo trên tay bồng một đứa bé lang thang đi xin ăn. Đi ngang qua một cái hang nọ, bà bỗng nghe một giọng nói huyền bí. Giọng nói này hình như vang lên từ trong tâm bà: "Hãy vào đây lấy tất cả những gì ngươi muốn, nhưng đừng quên cái chính. Và hãy nhớ một điều: sau khi ngươi trở ra thì cửa hang sẽ đóng lại vĩnh viễn. Tuy vậy, hãy lợi dụng cơ hội hiếm có này và nhớ đừng quên cái chính".

Người phụ nữ đi vào hang, thấy trong đó có rất nhiều bảo vật quý giá. Lóa mắt bởi vàng bạc, châu báu, nữ trang, bà đặt vội đứa bé xuống đất và nhanh tay thâu lượm tất cả những gì bà có thể nhét vào quần áo.

Lúc đó tiếng nói huyền bí kia lại vang lên: "Ngươi chỉ có tám phút để lấy mà thôi".

Tám phút trôi qua như chớp mắt, người phụ nữ khệ nệ ôm vác đầy người và quàng trên vai vàng bạc, châu báu cùng đá quý, bước nhanh ra khỏi hang động và cửa hang đóng lại vĩnh viễn. Ngay lúc đó bà sực nhớ tới thằng bé còn nằm trong hang và không có cách nào trở vô lại. Bà vứt tất cả vàng bạc, châu báu xuống đất và ngã lăn ra gào khóc thảm thiết, nhưng đã quá muộn!

Chúng ta có khoảng 80 năm để sống ở đời, và sâu thẳm từ đáy lòng luôn có một âm thanh nội tại âm thầm nhắc nhở chúng ta: "Nhớ đừng quên cái chính".

Cái chính là gì? Đó là những giá trị đạo đức, niềm tin yêu, sự tỉnh giác, tình thương, sức khỏe và sự sống. Nhưng rất tiếc chúng ta bị lóa mắt và chỉ cắm đầu chạy theo tiền bạc, sắc đẹp, danh vọng, phung phí sức lực ăn chơi hoặc đi làm ngày đêm kiếm tiền, bỏ quên hạnh phúc gia đình, lơ là với con cái, cha mẹ, người thân, v.v …

Rồi cứ thế 80 năm trôi qua như chớp mắt, đến khi cánh cửa đời khép lại vĩnh viễn, đó là lúc chúng ta phải từ giã ra đi, mới sực nhớ suốt đời chỉ lo vơ vét của cải mà quên đi cái chính, không biết sống một cuộc đời ý nghĩa, không đem lại hạnh phúc cho người thương mà nhiều khi còn gây đau khổ cho kẻ khác. Lúc đó có khóc than, hối hận thì đã quá muộn!

(Trích "Dòng Đời Vô Tận")
Hòa thượng Thích Trí Siêu