Monday, April 15, 2024

NẾU CÓ KIẾP SAU...! ANH SẼ KHÔNG BAO GIỜ YÊU EM...!

(Sưu tầm - Không rõ tác giả)
Anh là một chàng sinh viên nghèo...!
Làm thêm vất vả để kiếm thêm tiền trang trải học phí. Em là tiểu thư cành vàng lá ngọc con nhà giàu có khá giả, gia đình có tới mấy osin.
Lần đầu tiên về quê đến cây quế, rau lang...., và cả ngò gai, em cũng không phân biệt được.
Anh gặp em lần đầu tiên trong ngày khai giảng. Em đứng đó vui cười với đám bạn, mải mê làm đổ ly sữa lên váy trắng... Ngượng ngùng, anh đưa em áo khoác che vết loang. Giây phút ấy em mãi không quên anh...!
Bốn năm học đại học, em muốn giúp anh nhiều lắm, muốn cuộc sống anh đỡ vất vả vì phải vừa học vừa làm. Đưa tiền cho anh. Anh đâu có nhận, anh nói anh không làm được cho em thì thôi…
Tốt nghiệp, đáng lẽ chia tay, chỉ là tình yêu thời đại học thôi mà...!
Nhưng em đã quyết định theo anh...!
Gia đình em phản đối quyết liệt, nhưng em vẫn chọn cho mình người đàn ông của cả cuộc đời...!
Nên vợ nên chồng, về quê sống trong căn nhà lụo xụp của mẹ anh. Rồi em mang thai, nhiều khi trái gió trở trời người đau ê ẩm, đau bắp chân...!
Anh thương em, mùa đông cũng như hè đi làm kiếm thêm tiền nuôi vợ...!
Thế rồi trong một tai nạn xe, anh liệt đôi chân. Nằm một chỗ ở nhà, tất cả mọi việc đều trông cậy vào em. Ba mẹ em nghe tin... xót dạ, thương yêu đến đón em về nhưng em từ chối...!
Chữa bệnh cho anh, em bán hết mọi thứ trong nhà, cuối cùng chiếc nhẫn cưới ba phân vàng 18 kara cũng hết...
Ba mẹ em thấy con gái khổ nhiều, lại cho tiền.
Cứ thế cuộc sống nghèo ở một vùng quê cứ lặng lẽ đau buồn trôi qua...!
Em làm giáo viên, anh nằm nhà viết sách. Em đã trút bỏ hình ảnh lá ngọc cành vàng năm nào để trở thành người vợ đảm đang. Đi chợ đã biết trả giá từng ngàn, quần áo bình thường, cân đo đong đếm còn tốt hơn những người phụ nữ khác vì em có học hành...
Bác sĩ bảo chồng em không còn đi được nữa, nhưng em không tin, hàng ngày vẫn bóp chân cho anh, hi vọng một phép màu, kì tích sẽ đến...!
Ngày ấy, em nghe có một bác sĩ châm cứu rất giỏi. Em chở anh lên xe, đường dài hơn 20 cây số, đưa anh đi châm cứu hai ngày một lần không kể ngày nắng ngày mưa, ngày lạnh ngày nóng
Anh nhìn em khóc: "Nếu còn có kiếp sau, anh sẽ không bao giờ yêu em nữa, em quá khổ vì anh..!"
Một năm sau phép màu đến thật sự, chân anh hồi phục cũng là lúc anh nhận được giải thưởng Quốc tế từ những cuốn sách anh viết. Không ai nghĩ sẽ có ngày hôm nay...!
Rồi họ mời anh sang Pháp thuyết trình ba năm, anh do dự, em nói: -Anh phải đi, cơ hội không đến hai lần đâu anh...!
Nhìn lại quãng đời, em đâu còn trẻ đẹp như xưa… Chồng, con, vất vả, thân hình gầy gò ốm yếu...! Pháp là đất nước của tình yêu, nhiều người nói anh đi và sẽ không trở lại...!
Em chỉ mỉm cười đáp lại:
-Em và anh đã trải qua bao nhiêu sóng gió, nếu vì một việc thế này em không sợ mất anh...!
Ba năm sau anh về, không báo trước, muốn dành cho em một sự bất ngờ. Nhưng vừa xuống xe anh đến nhà..., đã thấy em đứng đó. Anh hỏi sao biết anh về mà ra đón, em trả lời:
-Em chờ ở đây mỗi ngày, chỉ cần là xe lạ chạy ngang, em hi vọng nó dừng lại, em không bỏ qua chuyến nào...!
Anh nhìn vợ rồi khóc mà nói:
-Nếu còn có kiếp sau, anh sẽ không bao giờ yêu em, tình yêu của em làm anh đau lắm, đau lắm, tình yêu của em đã khiến em chịu quá nhiều khổ đau…!
Em đáp trả lời anh: -Tình yêu luôn luôn là khổ đau cay đắng. Tình yêu như một bông hoa sen, hoa sen đẹp nhưng nó có cái nhụy sen, hạt sen rất đắng. Nếu còn có kiếp sau, em sẽ vẫn muốn được yêu anh...!

Sunday, April 14, 2024

Huong Nguyen - GẬY ÔNG ĐẬP LƯNG ÔNG...

Tác giả:  Huong Nguyen

Phòng mạch buổi tối trễ. Gần đóng cửa mới có một phụ nữ vô khám. Cô này 50 tuổi, mệt mỏi, xanh xao, lâu nay chưa hề khám sức khỏe hay xét nghiệm tổng quát...
Cô là chủ lò bún. Làm việc vất vả từ sáng tới khuya. Tôi hỏi khéo:
- Em có tiếp xúc với hóa chất không?
- Dạ có. Em tiếp xúc với hóa chất mỗi ngày...
** Vậy là đủ hiểu rồi hả bà con?
Ăn vài tô bún độc hại có sao đâu. Chỉ lâu lâu độc  chất buồn tình kích hoạt tế bào bình thường biến đổi thành tế bào ung thư thôi...
Như cô chủ lò bún. Có khi nào gậy ông đập lưng ông không?
** Còn vô số mặt hàng thực phẩm ở VN bị gian thương tẩm hóa chất để bán. Vì lợi nhuận, họ giết hại lẫn nhau và hại luôn chính họ.

Sunday, March 10, 2024

Học người xưa đối diện với những thị phi.

Trong một buổi nhàn hạ, vua Đường Thái Tông hỏi chuyện vị quan cận thần là Hứa Kính Tôn rằng:
– Trẫm thấy khanh phẩm cách cũng không phải là phường sơ bạc. Sao lại có nhiều tiếng thị phi chê ghét như thế?
Hứa Kính Tôn trả lời:
– Tâu bệ hạ. Mưa mùa Xuân tầm tã như dầu, người nông phu mừng cho ruộng đất được thấm nhuần, kẻ bộ hành lại ghét vì đường đi trơn trợt. Trăng mùa thu sáng vằng vặc như gương treo trên bầu trời đêm, hàng thi nhân vui mừng gặp dịp thưởng du ngâm vịnh, nhưng bọn đạo chích lại ghét vì ánh trăng quá sáng tỏ. Trời đất kia vốn vô tư không thiên vị, mà cơn nắng mưa thời tiết vẫn bị thế gian trách hận ghét thương.
Còn hạ thần đâu phải một người vẹn toàn thì làm sao tránh khỏi tiếng chê bai chỉ trích.Cho nên ngu thần trộm nghĩ, đối với tiếng thị phi trong thế gian nên bình tâm suy xét, đừng nên vội tin nghe. Vua tin nghe lời thị phi thì quan thần bị hại. Cha mẹ tin nghe lời thị phi thì con cái bị ruồng bỏ. Vợ chồng tin nghe lời thị phi thì gia đình ly tán. Tiếng thị phi của thế gian nọc độc còn hơn rắn rết, bén hơn gươm đao, giết người không thấy máu.
(Sưu tầm)

Friday, March 1, 2024

Thơ Lê Thị Thu Hà - Tao nên về họp lớp với mày không?

Tao nên về họp lớp với mày không?
Dẫu quắt quay nhớ phượng hồng, áo trắng
Nhưng tao nghèo, đời dầm mưa dãi nắng
Đôi vé tàu về, hết hẳn tháng lương!
Ai chẳng muốn về một thuở yêu thương?
Ríu rít, líu lo má hường, môi thắm
Chúng mình bây giờ khác xưa nhiều lắm
Đâu ngang hàng như thuở tắm mưa chung?
Mày rủ tao về tìm lại thanh xuân
Nhưng Bá Kiến muốn ngồi cùng Nghị Quế..?
Thị Nở, Chí Phèo nhìn nhau, biết thế
Lủi thủi, ngậm ngùi bên gốc phượng xa..!
Có những nỗi lòng không dễ nói ra
Có những cuộc vui đọng buồn đáy mắt
Có những chia ly từ khi gặp mặt...
Tao nên về họp lớp với mày không...???
                              Thơ: Lê Thị Thu Hà

Friday, February 2, 2024

“MÌNH”

Tác giả: BS Đỗ Hồng Ngọc 
Văn Hóa Phật Giáo số 3002 ngày 01-08-2018

Tôi có việc phải đến liên hệ ở một công ty. Cô tiếp tân trẻ, chừng ngoài hai mươi, khá xinh, ân cần cúi chào. Tôi nói tôi có hẹn với cô T. sáng nay. Cô tiếp viên liền nhắc điện thoại lên để gọi cho cô T. và đột ngột quay qua hỏi tôi: "Mình tên gì ạ?".
Tôi chưng hửng. Trời! Lâu lắm rồi chưa được ai gọi mình là… mình cả! Bây giờ bỗng dưng được gọi là "Mình". Sướng ghê nơi! Mà cô tiếp tân nhỏ hơn mình nửa thế kỷ. Sực nhớ Nguyễn Công Trứ đã từng sượng sùng: "Ngũ thập niên tiền…".
Nghĩ lại cũng may. Nếu lúc đó mà mình lơ đễnh ngó đi đâu đó, dám cô kêu: "Mình ơi, mình tên gì ạ?" thì càng nguy! Nguy, bởi vì chữ "mình" tiếng Việt mình phức tạp lắm!
Bùi Giáng:
"Mình ơi tôi gọi là nhà
Nhà ơi tôi gọi mình là nhà tôi…".
Lại nhớ xưa Cô Diệu Huyền có mục "Mình ơi…!" trên Bán nguyệt san Phổ Thông. Cái ông Nguyễn Vỹ giỏi thiệt. Người ta có thể quên nhiều thứ trên Phổ Thông của ông chớ khó mà quên "Mình ơi…!" của Cô Diệu Huyền do chính ông sắm vai!
Trên TV (truyền hình) ở Việt Nam ngày nay cách gọi "mình" để chỉ đối tượng (khách mời) khá là phổ biến. Cô MC hỏi khách mời: Nhà mình có mấy người con ạ? Nhà mình có ai mắc bệnh này không ạ? Nhà mình ở có xa đây không? Hóa ra "nhà mình" không phải là nhà mình mà là nhà người ta! Thậm chí vào quán café, lúc tính tiền, cô thâu ngân nói "Của mình bốn chục ngàn ạ!".
Vậy "Mình" không phải là mình mà là người đối diện, là đối tượng, ngôi thứ hai trong xưng hô. Bấy giờ ngôi thứ hai đã trở thành ngôi thứ nhất.
Thú vị quá!
Mình với ta tuy hai mà một
Ta với mình tuy một mà hai.
Hình như cách xưng hô này để bày tỏ tình thân ái?
Có điều một cô gái trẻ đẹp, nhỏ hơn mình nửa thế kỷ mà hỏi " Mình tên gì ạ?" thì ngẩn ngơ cũng phải!
Tiếng Việt phong phú lắm. Vợ chồng thường gọi nhau là "mình". Mình lấy giùm anh cái cặp… Mình đưa cho em cây dù. Nhưng khi có ai hỏi: Chị nhà có khỏe không? Thì trả lời "Nhà tôi" cũng khỏe. Anh nhà có khỏe không? Nhà tôi cũng ổn. "Nhà tôi" là vợ hay chồng mình.
Cho nên Bùi Giáng mới viết: Mình ơi tôi gọi là nhà Nhà ơi tôi gọi mình là nhà tôi…!
Như vậy, ngày nay "Mình" đã thay cho chú bác ông bà anh chị cô dì …! Từ lúc nào vậy nhỉ? Từ lúc nào mà người người sống với nhau thân thiết thương yêu đậm đà đến vậy?
Xưng hô trong tiếng Việt không phải là "chuyện nhỏ". Cho nên ca dao thời đại có câu:
"Xin đừng gọi chú bằng anh
Để cho chú phải hy sanh cuộc đời!".
Tự điển Tiếng Việt (Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1988): Mình:
1) Từ dùng để tự xưng hoặc để chỉ bản thân cùng với người đối thoại một cách thân mật, có tính chất bạn bè. "Cậu giúp mình một tay". 
2. Từ vợ chồng hoặc người yêu gọi nhau một cách âu yếm: "Mình mong em lắm phải không?" (tr.658).
Tự điển cũng ghi thêm "Mình là từ dùng để gọi nhau một cách thân mật giữa bạn bè trẻ tuổi". Thí dụ: "Mình đi trước, tớ còn bận!". Vậy điều kiện ở đây phải là giữa bạn bè thân mật, và trẻ tuổi, chớ không dùng để xưng hô giữa hai người xa lạ hay giữa một người trẻ với một người già. Ngay cả trường hợp trên, nếu nói: "Bạn đi trước, tớ còn bận" hoặc "Bạn đi trước, mình còn bận" có lẽ hay hơn chăng?
Không biết các nhà ngôn ngữ học bảo sao nhỉ?

Tác giả: BS Đỗ Hồng Ngọc 
Văn Hóa Phật Giáo số 3002 ngày 01-08-2018 

Thursday, October 19, 2023

BÀI THƠ: LÊN LÃO (Nguyễn Khuyến - 阮勸)

Chép lại từ trang mạng:
https://www.thivien.net/Nguy%E1%BB%85n-Khuy%E1%BA%BFn/L%C3%AAn-l%C3%A3o/poem-Jg_4_inbL47zGqzn3fJTrw
Ông chẳng hay ông tuổi đã già,
Năm nay ông cũng lão đây mà.
Anh em, làng xóm xin mời cả,
Xôi bánh, trâu heo cũng gọi là.
Chú Đáo bên làng lên với tớ,
Ông Từ ngõ chợ lại cùng ta.
Bây giờ đến bậc ăn dưng nhỉ,
Có rượu thời ông chống gậy ra.

(Nguyễn Khuyến)

Rút từ Quốc văn tùng ký (AB.383), Quế Sơn Tam nguyên thi tập (A.3160), Quế Sơn thi tập (A.469). Tiêu đề trong Quế Sơn Tam nguyên thi tập chép là Năm mươi thọ, Quế Sơn thi tập chép là Hý tác.

Theo phong tục của địa phương nhà thơ trước đây, hàng năm vào ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch, các cụ bô lão trong làng đến sáu mươi tuổi thì làm lễ tế ở đình làng gọi là lễ lên lão. Còn các cụ từ năm mươi lăm tuổi trở lên thì vào ban lão làng, trông coi việc tế lễ cho đến sáu mươi tuổi mới thôi. Ý nói nhà thơ cũng đã đứng vào hàng lão làng.

Hai ông Đáo và ông Đoài cùng tên lão một lần với nhà thơ. Chú Đáo ở giáp Đoài, Nguyễn Khuyến ở giáp Đông (cùng làng Vị Hạ). Ông Từ tên là Mai Đặc, ở xóm Chợ, vì ông giữ chức Thủ từ nên gọi là ông Từ.

Nguồn:
1. Thơ văn Nguyễn Khuyến, NXB Văn học, 1971 (tái bản 1979)
2. Nguyễn Khuyến – Tác phẩm, Nguyễn Văn Huyền chủ biên, NXB Khoa học xã hội, 1984
3. Thi hào Nguyễn Khuyến: đời và thơ, Nguyễn Huệ Chi chủ biên, NXB Giáo dục, 1994

"TAM THẬP NHI LẬP, TỨ THẬP NHI BẤT HOẶC" VÀ LỜI GIẢI CHO CUỘC ĐỜI

Chép lại từ trang mạng: 
29/11/2017
Lời giải cho cuộc đời: 30 tuổi lập cái gì, 40 tuổi mê điều chi?

Khổng Tử từng nói: "Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ", ý rằng: "Ta 15 tuổi chí ở học hành, 30 tuổi có thể tự lập, 40 tuổi không còn nghi hoặc, 50 tuổi biết được mệnh Trời, 60 tuổi ta biết điều phải trái, 70 tuổi tâm theo ý mình, có thể làm một cách tùy ý nhưng lại không vượt quá quy tắc".

Đây là tổng kết của Khổng Tử về cuộc đời mình, cũng là tấm gương cho những ai muốn theo đuổi một cuộc đời hoàn mỹ, đặc biệt là sau tuổi 30. Vậy thì khi đến ngưỡng 30 tuổi, 40 tuổi, 50 tuổi, 60 tuổi, 70 tuổi, chúng ta cần sống như thế nào?

1. Tam thập nhi lập: 30 tuổi có thể tự lập

30 tuổi là ngọn núi chia đôi dòng nước, chia đôi ngã rẽ của đời người. Con người ở độ tuổi này về cơ bản đã có thể xác lập được phương hướng phát triển cuộc đời mình. Họ cũng có thể dựa vào bản lĩnh của tự thân mà gánh vác những trách nhiệm mình cần đảm đương.

"Nhi lập" ở đây là lập thân, lập gia, lập nghiệp.

Lập thân là xác lập nhân cách và sự tu dưỡng của bản thân. Điều này bao gồm việc tu dưỡng trong tư tưởng và hàm dưỡng đạo đức, bồi dưỡng năng lực và có thể tự lực tự cường. Trong đó sự tự cường là cái gốc lập thân, là yêu cầu cơ bản nhất khi mỗi người muốn đứng vững trong xã hội.

Lập nghiệp là xác lập công danh, sự nghiệp mà mình muốn theo đuổi. Người 30 tuổi nên có nghề nghiệp vững chắc. Dẫu theo đuổi bất kỳ công việc nào cũng cần có một năng lực nhất định. Nói theo cách hiện đại chính là có một sở trường về kỹ năng nào đó. Lập nghiệp là phương thức mưu sinh, là cơ sở để độc lập về kinh tế. Đây cũng là quá trình con người ắt phải trải qua để thực hiện giá trị nhân sinh.

Lập gia là lập gia đình. Xã hội cạnh tranh mạnh mẽ ngày nay đã kéo dài tuổi lập gia đình của những người trẻ. Nhưng đứng từ góc độ sinh sôi nảy nở của nhân loại mà nói thì độ tuổi này lại rất phù hợp. Hơn nữa con người khi đến 30 tuổi sẽ hiểu rõ về hôn nhân và trách nhiệm.

Ý nghĩa của gia đình là tổ ấm. Lập gia đình thì tâm hồn mới tìm được bến đỗ bình yên để ngơi nghỉ. Còn về trình tự lập nghiệp và lập gia đình, do tình huống của mỗi người mỗi khác, nên chúng ta không phải câu nệ thứ tự trước sau, mà hai điều này đều tương trợ cho nhau.

2. Tứ thập nhi bất hoặc: 40 tuổi không còn mê hoặc 

40 tuổi là độ tuổi dùng điều bất biến để ứng vạn biến, là độ tuổi có thể nhìn thấu vạn vật trên thế gian, cũng là độ tuổi trưởng thành. "Bất hoặc" tức là tỉnh táo, là minh bạch về bản thân, về người khác và về thế giới.

Con người sống trong xã hội thì không thể tách khỏi xã hội. Mối quan hệ giữa con người và xã hội là mối quan hệ giữa cá thể và quần thể. Cá thể là một phần tử trong quần thể. Lý tưởng và nguyện vọng của một cá nhân phải được kiến lập dựa trên cơ sở của một xã hội hiện thực. Trong tâm cần có một sức mạnh điềm nhiên khi ứng phó với thế giới bên ngoài.

Hiểu thấu bản thân mình

Chính là khiến nội tâm mình dần dần trở nên lớn mạnh trong quá trình tôi luyện, biến những thứ bên ngoài trở thành năng lượng bên trong. Người 40 tuổi là người có độ tuổi thực tế nhất, không nên phạm quá nhiều sai lầm và đi đường vòng.

Hiểu rõ trách nhiệm của bản thân

Đặc điểm lớn nhất của người 40 tuổi là hiểu rõ trách nhiệm của bản thân mình. Họ phải gánh vác trách nhiệm xã hội, trách nhiệm gia đình, hiếu thuận với cha mẹ, và chịu trách nhiệm dưỡng dục con cái.

40 tuổi là thời kỳ huy hoàng trong đời người, cũng là thời kỳ có cống hiến lớn nhất cho gia đình và xã hội.

3. Ngũ thập nhi tri thiên mệnh: 50 tuổi biết được mệnh Trời

Mệnh Trời còn gọi là số mệnh, 50 tuổi biết mệnh Trời. Người 50 tuổi đã tới giai đoạn chín muồi trong cuộc đời. Lúc này có rất nhiều việc trong đời dường như đã thành hình.

Người 50 tuổi hiểu biết hơn về xã hội nên càng thấu hiểu bản thân hơn. Họ học được cách thản nhiên đối mặt với mọi việc. Họ không oán Trời, không trách người, không lười nhác.

Hiểu về thiên mệnh

Người 50 tuổi sức khỏe không còn như trước. Họ càng hiểu rõ hơn về sự yếu nhược của sinh mệnh, hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của sức khỏe. Sức khỏe là vốn liếng của sinh mệnh. Không khi nào con người lại có trải nghiệm sâu sắc như thế về sức khỏe như ở độ tuổi này. Họ sẽ chú trọng tới việc dưỡng sinh hơn trước và bắt đầu tích cực rèn luyện.

Người 50 tuổi đã có sự đánh giá khá chuẩn xác về bản thân mình. Họ rất ít khi dao động, khiến tâm trạng lên lên xuống xuống vì một chuyện gì đó. Trải qua bao nhiêu năm vất vả họ cũng có một điều kiện kinh tế nhất định, tham vọng tiền tài cũng không còn mạnh mẽ như khi còn trẻ nữa.

Biết trân trọng tình cảm

Người 50 tuổi đã trải qua sự gột rửa của thời gian. Họ sẽ biết trân quý hơn người bạn đời đồng cam cộng khổ trong đời mình, biết trân trọng hơn đứa con đã trưởng thành và những người bạn cũ luôn kề vai sát cánh bấy lâu nay… Tình thân, tình bạn, tình yêu, những điều này dần sẽ trở thành những điều quan trọng trong số những điều được coi trọng trong lòng họ. Tâm danh lợi của họ cũng dần tiêu tan.

4. Lục thập nhĩ thuận: 60 tuổi tai biết điều phải trái

Tới khi 60 tuổi, dẫu cho ai nói ngả nói nghiêng, dù gặp phải trắc trở, khó khăn thế nào thì con người cũng đều không quá kích động. Họ có thể suy nghĩ mọi sự một cách điềm tĩnh và thuận theo quy luật của sự vật. Họ có thể thản nhiên trước vinh nhục, ngộ ra ý nghĩa đời người, nhìn thấu kiếp nhân sinh và coi nhẹ danh lợi.

60 tuổi nhìn thấu kiếp nhân sinh

Từ khi nghỉ hưu, họ chuyển từ vai trò chính ngoài xã hội về với vai trò chính trong gia đình, vui hưởng đạo cùng trời đất. Người 60 tuổi đã minh bạch những điều này, nên có thể vui vẻ tiếp nhận cuộc sống hiện thực và hiểu rõ cuộc sống nên có của một người ở độ tuổi này.

60 tuổi nhìn thấu sinh mệnh

Người 60 tuổi phải sống thật mạnh khỏe, vui vẻ, điều này cũng là một sự cống hiến đối với xã hội. Ý nghĩa của sinh mệnh là nghĩ cho người khác nhiều hơn là đòi hỏi cho riêng mình. Khi bạn đã làm được thì cũng không còn gì phải nuối tiếc nữa.

Người 60 tuổi nhìn thấu danh lợi, nhờ trải qua sự tôi luyện của tháng năm mà lưu lại những kinh nghiệm phong phú của bản thân mình.

Trong cuộc sống nhàn nhã, họ thường hồi tưởng về những ký ức đắng cay ngọt bùi như một trải nghiệm đặc biệt trong mùa thu cuối đời. Khi đã về hưu thì họ chỉ còn sót lại một danh xưng: "Người về hưu". Lúc này duy chỉ có sức khỏe là của bản thân mình. Vậy nên giữ gìn chăm sóc sức khỏe cho mình, sống mạnh khỏe, hạnh phúc mới là điều quan trọng nhất.

5. Thất thập tòng tâm sở dục: 70 tuổi tâm theo ý mình

Người 70 tuổi có thể muốn gì làm nấy theo cách nghĩ của mình. Họ biết cách sống thuận theo tự nhiên, thích ứng với mọi hoàn cảnh, cũng không được vượt quá quy củ.

Cơm ăn không quan trọng cao lương mỹ vị hay đạm bạc đơn sơ, chỉ cần thấy ngon miệng là được. Phòng ốc không quan trọng lớn hay nhỏ, chỉ cần sống vui vẻ là được. Hãy làm những chuyện bản thân thấy hứng thú, đừng oán người, trách trời, trách đất, cũng đừng để tâm lo nghĩ quá mức tới người khác. Thấy sức khỏe suy giảm từng ngày cũng đừng hoảng hốt, thấy cái chết cận kề mỗi ngày cũng đừng khiếp sợ. Mọi thứ cứ thuận theo tự nhiên, tùy cảnh mà an.

Mỗi giai đoạn trong đời người đều có những trải nghiệm riêng trong từng giai đoạn ấy. Chúng ta không nhất định cứ phải làm theo một thước đo hay một chuẩn mực nào đó. Nhưng mỗi một giai đoạn chúng ta đều nên có sự kỳ vọng về bản thân mình. Tệ nhất thì 10 năm một lần chúng ta cũng nên ngẫm nghĩ lại về bản thân. Những điều không thể quên chính là hồi ức, nhưng điều vẫn tiếp diễn là cuộc sống. Hãy sống hết mình mỗi ngày để có thể sống trọn vẹn cả một đời.

Theo ĐKN